Công ty Nord Stream AG – nhà điều hành các đường ống Nord Stream – tuyên bố đã phát hiện các hố nổ nhân tạo ở đáy biển, gần phần bị hư hại của đường ống Nord Stream 1.
Đài RT ngày 3/11 dẫn thông báo của công ty Nord Stream AG cho hay: “Tính đến ngày 2/11, Nord Stream AG đã hoàn thành việc thu thập dữ liệu ban đầu tại hiện trường bị hư hại của đường ống Nord Stream 1 trong vùng đặc quyền kinh tế của Thụy Điển. Kết quả sơ bộ của việc kiểm tra khu vực bị thiệt hại cho thấy, có các hố nổ nhân tạo sâu 3-5 mét ở đáy biển. Mỗi hố cách nhau gần 250 mét”.
Theo ghi nhận của Nord Stream AG, đoạn đường ống giữa các hố bị phá hủy hoàn toàn. Các mảnh đường ống vỡ nằm rải rác trong bán kính 250 mét.
Nord Stream AG cho biết, các chuyên gia của công ty này sẽ tiếp tục phân tích dữ liệu thu thập được tại hiện trường thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Thụy Điển. Công ty có trụ sở tại Thụy Sĩ cũng đang chờ được cho phép tiếp cận để kiểm tra vùng đáy biển có các đường ống chạy qua trong vùng đặc quyền kinh tế của Đan Mạch.
Theo đài RT, 3 trong số 4 đường ống của các hệ thống đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 và Nord Stream 2 – chạy qua biển Baltic – bị hư hại vào cuối tháng 9. Các nhà địa chấn học Thụy Điển khi đó cho biết họ ghi nhận dấu hiệu của 2 vụ nổ gần đường ống Nord Stream 1 và Nord Stream 2.
Nga đã bắt đầu một cuộc điều tra về vụ việc, lên án đây là “hành động khủng bố quốc tế”. Sau khi thực hiện điều tra riêng, Thụy Điển và Đan Mạch đều phát hiện vụ rò rỉ Nord Stream 1 và 2 là do các vụ nổ gây ra, nhưng chưa rõ đối tượng chịu trách nhiệm. Bộ Quốc phòng Nga cáo buộc hải quân Anh có liên quan tới vụ việc. London đã bác bỏ cáo buộc này.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan có thể ra lệnh phát động chiến dịch quân sự trên bộ mới sau cuộc họp nội các diễn ra ngày 28/11.
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ở biên giới Syria đã sẵn sàng cho một chiến dịch quân sự trên bộ xuyên biên giới mới và chỉ còn chờ mệnh lệnh từ ông Erdogan, đài truyền hình Thổ Nhĩ Kỳ TRT cho biết.
Hôm 28/11, ông Erdogan đã triệu tập cuộc họp nội các để thảo luận về chiến dịch truy quét người Kurd ở phía bắc Syria. Theo nguồn tin, ông Erdogan có thể sẽ sớm có bài phát biểu toàn quốc để đưa ra quyết định mở chiến dịch quân sự mới trên bộ.
“Quân đội chỉ cần vài ngày để chuyển sang trạng thái sẵn sàng thực hiện chiến dịch quân sự”, một quan chức Thổ Nhĩ kỳ nói, theo Reuters. “Sự chuẩn bị diễn ra vài ngày sau vụ đánh bom ở Istanbul hôm 13/11”.
“Chiến dịch sẽ sớm bắt đầu”, quan chức giấu tên nói. “Tất cả chỉ còn chờ mệnh lệnh từ Tổng thống”.
Theo Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ, Bộ trưởng Quốc phòng Hulusi Akar đã có cuộc họp trực tuyến với Bộ Tư lệnh quân đội và các tư lệnh phụ trách hoạt động ở biên giới.
Trong tuần qua, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ liên tục nã pháo qua biên giới nhằm vào vị trí người Kurd ở Syria, trong khi các chiến đấu cơ Thổ Nhĩ Kỳ phóng tên lửa và ném bom.
Kể từ khi khủng bố IS gần như bị truy quét hoàn toàn ở Syria, lực lượng người Kurd do Mỹ hậu thuẫn đã nắm quyền kiểm soát một khu vực rộng lớn ở phía bắc và đông bắc Syria.
Các nỗ lực tấn công người Kurd của quân đội Syria hoặc lính đánh thuê Nga, vượt giới tuyến trên sông Euphrates, đều vấp phải các đợt không kích mạnh mẽ từ Mỹ.
Tuần trước, ông Erdogan tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ sẽ sớm đưa xe tăng và binh sĩ vượt biên giới Syria để truy quét người Kurd. Ông Erdogan khi đó nói sẽ đưa ra quyết định vào thời điểm phù hợp.
Gần đây, tư lệnh người Kurd ở Syria, tướng Mazloum Abdi đã kêu gọi Tổng thống Mỹ Joe Biden can thiệp nhằm ngăn chặn Thổ Nhĩ Kỳ phát động chiến dịch quân sự mới.
Ông Abdi nói rằng, các phản ứng của Mỹ cho đến nay chưa đủ mạnh để ngăn chặn Thổ Nhĩ Kỳ – quốc gia đồng minh NATO của Mỹ.
Một hình bầu dục mơ hồ kèm vệt khói theo sau được phát hiện gần đây trên bầu trời phía trên công viên quốc gia Pribaikalsk nằm gần bờ hồ Baikal ở Nga.
Một bức ảnh được chụp bởi Vladislav Shalashov – một thanh tra môi trường làm việc tại công viên quốc gia Pribaikalsk cho thấy một hình bầu dục mơ hồ kèm vệt khói theo sau.
Mặc dù thoạt nhìn hình dạng này có thể bị nhầm với một loại “đĩa bay” nào đó, nhưng nó chỉ đơn thuần là một đám mây, bản thân nhiếp ảnh gia nói với giới truyền thông rằng ông đã chứng kiến nhiều đám mây như vậy trên bầu trời phía trên Đảo Olkhon ở Hồ Baikal.
Các chuyên gia đã quan sát mây trên Baikal trong nhiều thập kỷ. Họ lưu ý rằng thời tiết không có mây thường được thấy ở bờ phía tây của hồ, số giờ nắng ở đây thậm chí còn cao hơn ở một số khu nghỉ mát nổi tiếng.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga lý giải nguyên nhân Moscow sẽ không liệt Ukraine vào danh sách “nhà nước khủng bố” bất chấp những “vi phạm thô bạo” của Kiev đối với luật nhân đạo quốc tế.
Phát biểu trước báo giới ngày 25-11, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Oleg Syromolotov cho biết Moscow sẽ không liệt Ukraine vào danh sách “nhà nước khủng bố” bất chấp những “vi phạm thô bạo” của Kiev đối với luật nhân đạo quốc tế, đài RT đưa tin.
Thứ trưởng Syromolotov nói rằng học thuyết “nhà nước khủng bố” được Mỹ và các nước phương Tây khác lợi dụng để biện minh cho việc can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác, vi phạm Hiến chương Liên Hợp Quốc.
Theo ông, học thuyết này cũng được sử dụng để “hợp pháp hóa các biện pháp cưỡng chế đơn phương vi phạm nguyên tắc bình đẳng chủ quyền của tất cả quốc gia”. Ông nhấn mạnh Nga luôn coi những biện pháp trừng phạt đơn phương như vậy là “không thể chấp nhận được”.
Theo ông, Moscow bác bỏ các học thuyết cho rằng một quốc gia có thể bị coi là “khủng bố” và không thấy có lý do gì để tuân theo chính sách mà phương Tây đang sử dụng.
Ông Syromolotov giải thích thêm rằng khủng bố là một hành vi tội phạm hình sự của những người tham gia các cuộc tấn công. Ông nói thêm rằng đối tượng chịu trách nhiệm trong các trường hợp như vậy là các cá nhân chứ không phải toàn bộ quốc gia.
Do đó, ông kết luận việc định danh Ukraine là quốc gia khủng bố vào lúc này sẽ là một “sai sót về mặt pháp lý”.
“Chúng tôi sẽ không hành động giống như những kẻ vi phạm luật pháp quốc tế” – ông nói.
Nhà ngoại giao này cũng chỉ trích việc Nghị viện châu Âu gần đây thông qua nghị quyết định danh Nga là “nhà nước bảo trợ khủng bố”. Ông nói rằng đây là một phần của “chiến dịch thông tin và chính trị do phương Tây tiến hành để chống lại Nga”.
Siêu kính viễn vọng James Webb lần đầu tiên “xuyên thủng” bầu khí quyển của một hành tinh không giống bất cứ thứ gì được nhìn thấy trong hệ Mặt Trời hay những hệ sao lân cận.
Theo SciTech Daily, hành tinh bí ẩn mang tên WASP-39b là một hành tinh khí khổng lồ có kích thước bằng Sao Thổ, nhưng quay quanh sao mẹ WASP-39 của nó với khoảng cách gần hơn so với khoảng cách Sao Thủy – Mặt Trời, biến nó trở thành một “loài mới” hiếm có trong thế giới hành tinh: Sao Thổ nóng.
Hành tinh này đã được tìm thấy trước đây bởi các kính viễn vọng không gian khác bao gồm Hubble và Spitzer của NASA, ghi nhận được một số tính chất của bầu khí quyển.
Thế nhưng nhờ “mắt thần của” kính viễn vọng không gian mới nhất, mạnh nhất James Webb, được điều hành chính bởi NASA, hỗ trợ bởi ESA và CSA (cơ quan vũ trụ của châu Âu và Canada), thế giới bí ẩn trong “biển mây” của “Sao Thổ nóng” này mới được hé lộ.
Nhà thiên văn học Natalie Batalha từ Trường Đại học California ở Santa Cruz (USSC – Mỹ), người điều phối nghiên cứu mới dẫn đầu bởi NASA, cho biết những điều vừa thu thập được sẽ “thay đổi cuộc chơi”.
Lần đầu tiên dấu hiệu của SO2 được tìm thấy trong bầu khí quyển của ngoại hành tinh, một phân tử được tạo ra từ các phản ứng hóa học kích hoạt bởi ánh sáng năng lượng cao từ sao mẹ, giống cách tầng ozone của Trái Đất được thiết lập.
Theo nhà nghiên cứu Shang-Min Tsai từ Đại học Oxford (Anh), tác giả chính, đây là bằng chứng cụ thể đầu tiên về phản ứng quang hóa của ngoại hành tinh. Ngoài ra James Webb còn tìm ra dấu hiệu rõ ràng của natri, kali, hơi nước, CO2… trong bầu khí quyển đặc biệt này.
Việc theo dõi được các phản ứng hóa học trong một bầu khí quyển cách chúng ta tận 700 năm ánh sáng cho thấy siêu kính viễn vọng này thừa sức nắm bắt được dấu hiệu hóa học và các phản ứng có thể liên quan đến sự sống – việc mà giới khoa học kỳ vọng với một hàng dài những ngoại hành tinh giống Trái Đất đã được xác định.
Là Sao Thổ nóng, gần như chắc chắn WASP-39b không có sự sống, nhưng nó là phòng thí nghiệm tuyệt vời cho việc khám phá thành phần hóa học của một ngoại hành tinh xa xôi, bao gồm các ngoại hành tinh có khả năng sống được nằm cách chúng ta chỉ vài chục năm ánh sáng.
Các khám phá mới về WASP-39b được trình bày chi tiết trong 5 bài báo khoa học khác nhau, 3 trong số đó đã được công bố trên các tạp chí, 2 cái đang chờ bình duyệt.
Siêu kính viễn vọng James Webb lần đầu tiên “xuyên thủng” bầu khí quyển của một hành tinh không giống bất cứ thứ gì được nhìn thấy trong hệ Mặt Trời hay những hệ sao lân cận.
Theo SciTech Daily, hành tinh bí ẩn mang tên WASP-39b là một hành tinh khí khổng lồ có kích thước bằng Sao Thổ, nhưng quay quanh sao mẹ WASP-39 của nó với khoảng cách gần hơn so với khoảng cách Sao Thủy – Mặt Trời, biến nó trở thành một “loài mới” hiếm có trong thế giới hành tinh: Sao Thổ nóng.
Hành tinh này đã được tìm thấy trước đây bởi các kính viễn vọng không gian khác bao gồm Hubble và Spitzer của NASA, ghi nhận được một số tính chất của bầu khí quyển.
Thế nhưng nhờ “mắt thần của” kính viễn vọng không gian mới nhất, mạnh nhất James Webb, được điều hành chính bởi NASA, hỗ trợ bởi ESA và CSA (cơ quan vũ trụ của châu Âu và Canada), thế giới bí ẩn trong “biển mây” của “Sao Thổ nóng” này mới được hé lộ.
Nhà thiên văn học Natalie Batalha từ Trường Đại học California ở Santa Cruz (USSC – Mỹ), người điều phối nghiên cứu mới dẫn đầu bởi NASA, cho biết những điều vừa thu thập được sẽ “thay đổi cuộc chơi”.
Lần đầu tiên dấu hiệu của SO2 được tìm thấy trong bầu khí quyển của ngoại hành tinh, một phân tử được tạo ra từ các phản ứng hóa học kích hoạt bởi ánh sáng năng lượng cao từ sao mẹ, giống cách tầng ozone của Trái Đất được thiết lập.
Theo nhà nghiên cứu Shang-Min Tsai từ Đại học Oxford (Anh), tác giả chính, đây là bằng chứng cụ thể đầu tiên về phản ứng quang hóa của ngoại hành tinh. Ngoài ra James Webb còn tìm ra dấu hiệu rõ ràng của natri, kali, hơi nước, CO2… trong bầu khí quyển đặc biệt này.
Việc theo dõi được các phản ứng hóa học trong một bầu khí quyển cách chúng ta tận 700 năm ánh sáng cho thấy siêu kính viễn vọng này thừa sức nắm bắt được dấu hiệu hóa học và các phản ứng có thể liên quan đến sự sống – việc mà giới khoa học kỳ vọng với một hàng dài những ngoại hành tinh giống Trái Đất đã được xác định.
Là Sao Thổ nóng, gần như chắc chắn WASP-39b không có sự sống, nhưng nó là phòng thí nghiệm tuyệt vời cho việc khám phá thành phần hóa học của một ngoại hành tinh xa xôi, bao gồm các ngoại hành tinh có khả năng sống được nằm cách chúng ta chỉ vài chục năm ánh sáng.
Các khám phá mới về WASP-39b được trình bày chi tiết trong 5 bài báo khoa học khác nhau, 3 trong số đó đã được công bố trên các tạp chí, 2 cái đang chờ bình duyệt.
Bảo tàng ở thành phố Manching, Đức, bị đánh cắp hàng trăm đồng tiền vàng, có niên đại hơn 2.000 năm và ước tính trị giá hàng triệu USD.
Cảnh sát bang Bavarian (Đức) hôm 22/11 thông báo, 483 đồng tiền vàng cổ từ thời Celtic đã bị đánh cắp khỏi bảo tàng Bảo tàng Celtic và La Mã ở thành phố Manching, cách Munich khoảng 60 km về phía bắc.
Những đồng tiền vàng vừa mất cắp được phát hiện vào năm 1999 khi các nhà khảo cổ khai quật một di tích ở Manchning. Đây cũng là kho vàng Celtic lớn nhất được tìm thấy trong thế kỷ 20.
DPA – hàng thông tấn Đức – dẫn thông tin từ cảnh sát cho hay, tổng số tiền vàng bị đánh mất nặng khoảng 4kg, trị giá hàng triệu USD.
“Mất kho báu Celtic là thảm họa. Những đồng tiền vàng là minh chứng cho lịch sử của chúng ta. Chúng là không thể thay thế”, Markus Blume – giám đốc Cơ quan Khoa học và Nghệ thuật bang Bavarian – nói về vụ trộm.
Theo ông Markus Blume, những tên trộm đã hành động “quá tinh vi”.
Celtic (hay Celt) là tập hợp các bộ lạc sống ở khu vực trung tâm châu Âu vào khoảng thế kỷ 6 TCN. Những người này có chung ngôn ngữ, tín ngưỡng, văn hóa và tôn giáo.
Trong quá trình phát triển, người Celtic di cư và sinh sống ở nhiều khu vực trên khắp châu Âu, bao gồm lãnh thổ các nước Đức, Anh, Pháp và Tây Ban Nha ngày nay. Di sản của họ được tìm thấy nhiều nhất ở Anh và Ireland.
Sau vụ trộm ở Bảo tàng Celtic và La Mã, cảnh sát kêu gọi nhân chứng ra trình báo nếu họ từng nhìn thấy bất cứ ai khả nghi xuất hiện gần bảo tàng hoặc có thông tin giúp tìm lại số tiền vàng bị đánh cắp.
Cảnh sát Đức hiện chưa cung cấp thông tin về thủ đoạn bọn trộm sử dụng. Giới chức địa phương cho biết, đường dây điện thoại và internet ở nhiều nơi thuộc thành phố Manching đã bị gián đoạn vào thời điểm xảy ra vụ trộm.
“Lũ trộm cắt đường dây liên lạc khắp Manching. Bảo tàng vốn là nơi có độ bảo mật cao. Nhưng tất cả đường dây liên lạc với cảnh sát đã bị cắt”, thị trưởng Manching Herbert Nerb nói với báo giới.
Năm 2017, Đức xảy ra vụ trộm đồng tiền vàng Big Maple Leaf (nặng 100kg và lớn thứ 2 thế giới) tại bảo tàng Bode ở Berlin.
Tháng 11/2019, những tên trộm đột nhập bảo tàng Green Vault ở thành phố Dresden (Đức), lấy đi 21 món đồ trang sức và vật phẩm giá trị.
Một tia gamma bùng nổ, truyền đi suốt 10,6 tỉ năm để đến được với kính thiên văn Trái Đất, đã chỉ ra sự hiện diện của một quái vật vũ trụ lẽ ra không thể tồn tại.
Theo Science Alert, đó là một sao neutron có tuổi đời ngắn ngủi và quá nặng để tồn tại theo các lý thuyết thiên văn thông thường.
Sao neutron vốn là sản phẩm cuối cùng trong vòng đời của một ngôi sao khổng lồ (khối lượng khoảng 8-30 lần Mặt Trời), khi nó bị cạn năng lượng rồi sụp đổ.
Ngôi sao neutron kỳ lạ vừa được phát hiện – nguồn gốc phát sinh ra tia gamma bùng nổ GRB 180618A được kính thiên văn Trái Đất bắt được vào tháng 6-2018 – lại không thể phù hợp với sự sụp đổ của bất kỳ loại sao nào.
Sau nhiều năm nghiên cứu, nhà thiên văn học Nuria Jordana-Mitjans từ Trường ĐH Bath (Anh) và các cộng sự đã tìm ra câu trả lời đầy bất ngờ: Đó là sản phẩm được tạo ra từ vụ va chạm của 2 sao neutron.
“Đứa con lai” này là một vật thể nặng bất thường, từ tính cao hơn nhiều so với mức tối đa mà sao neutron có thể đạt được, tồn tại hợn 1 ngày trước khi sụp đổ thành một lỗ đen. Nó được xếp vào nhóm sao từ – một dạng sao neutron cực mạnh – và cũng là sao từ mạnh nhất từng được ghi nhận.
Theo các lý thuyết trước đây, khi hai sao neutron va chạm, chúng sẽ giải phóng một vụ bùng nổ bức xạ gamma trong thời gian ngắn, mà các nhà khoa học tin rằng chỉ có thể được phát ra trong quá trình hình thành lỗ đen.
Nhưng phát hiện mới chỉ ra vẫn có một bước chuyển tiếp lạ lùng trong cuộc đời của các quái vật vũ trụ này.
Điều này giúp làm sáng tỏ thêm câu đố muôn đời là vì sao các sao neutron hợp nhất có thể biến thành lỗ đen, dù vẫn chưa phải câu trả lời cuối cùng. Có thể các cặp sao neutron đã tiến hóa theo cả hai kịch bản: Hình thành lỗ đen ngay lập tức, hoặc tạo thành một sao neutron siêu nặng rồi mới sụp đổ lần nữa thành lỗ đen.
Nghiên cứu bắt nguồn từ những chi tiết “không ổn” khi các nhà khoa học phân tích tia gamma GRB 180618A, với sự phát xạ quang học biến mất chỉ 35 phút sau cú bùng nổ, chỉ ra thứ gì đó đang giãn nở với tốc độ gần bằng tốc độ ánh sáng và được tăng tốc bởi một nguồn năng lượng liên tục.
Các tính chất đó không phù hợp với lỗ đen mà phù hợp với sao neutron, nhưng phải là một sao neutron có từ trường mạnh gấp 1.000 lần các sao neutron thông thường và mạnh hơn Trái Đất 4 triệu tỉ lần.
Quái vật vũ trụ mới mẻ này cũng là một vật thể tồn tại trong quá khứ, từ thuở vũ trụ còn khá non trẻ. Ánh sáng từ nó đã mất tận 10,6 tỉ năm để đến Trái Đất, nên toàn bộ dữ liệu về nó cũng là dạng dữ liệu “xuyên không” từ 10,6 tỉ năm trước.
Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học The Astrophysical Journal.
Thủ phạm của “sự mờ ảo vĩ đại” – ngôi sao Betelgeuse từng khiến mọi người tưởng rằng sắp nổ tung vào năm 2019 – có thể là một lỗ đen hiếm hoi mà loài người đã trực tiếp quan sát được nhưng không hề hay biết.
Betelgeuse là một ngôi sao khổng lồ trên bầu trời, đã được quan sát từ hàng ngàn năm trước, ghi chép cụ thể trong các hồ sơ thiên văn hàng trăm năm trước và ngày càng đỏ dần, to dần – cho thấy nó đang phình lên thành sao khổng lồ đỏ, giai đoạn cuối đời của một ngôi sao trước khi chết, bùng nổ và chỉ còn lại một sao lùn trắng nhỏ bé.
Năm 2019, giới thiên văn đã nghĩ rằng nó sắp nổ khi bất ngờ mờ đi hẳn. Thế nhưng chỉ ít lâu sau, nó sáng lại và không có dấu hiệu gì là sẽ nổ trong tương lai gần. Nhiều nhóm nghiên cứu đã cố gắng đưa ra lời giải thích, nhưng hầu hết vẫn chưa được chứng minh thực sự rõ ràng.
Một nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Monthly Notices of the Royal Astronomical Society đưa ra lời giải thích khả thi mới, hoàn toàn khác biệt: Nhân loại đã chứng kiến một lỗ đen bay ngang tầm mắt mình mà không hay.
Các tác giả là một nhóm nghiên cứu quốc tế dẫn dầu bởi tiến sĩ Hailey Aronson, tiến sĩ Thomas W.Baumgarte từ Trường Đại học Bowdoin (Brunswick – Mỹ) và tiến sĩ Stuart K. Shapiro từ Đại học Illinois tại Urbana-Champaign (Urbana – Mỹ), đã đi theo con đường được mở ra bởi một số nhóm tác giả trước đó: Tìm kiếm một vật thể bay ngang ngôi sao.
Theo tờ Space, hướng lập luận này dựa trên việc bản thân sao Betelgeuse không mờ đi, mà có một thứ gì đó đã bay ngang tầm mắt nhân loại, chắn bớt ánh sáng vào năm 2019 sau đó trả lại ánh sáng khi nó bay qua hẳn. Đó có thể là một hành tinh lớn hay một ngôi sao đồng hành.
Tuy nhiên nhóm tác giả Mỹ nói trên chi rằng một lỗ đen sẽ là lời giải thích hợp lý hơn.
Lỗ đen sẽ đủ mạnh để gây ra tương tác hấp dẫn lớn, tạo nên một sự kiện “lỗ đen xé sao” ở quy mô nhỏ. Betelgeuse khổng lồ đã sống sót, nhưng cú bay ngang của lỗ đen cũng đủ rút khỏi nó một lượng vật chất đủ lớn để tạm che khuất tầm nhìn của chúng ta.
Từ đó, dù vô hình, thực chất lỗ đen đã bị chúng ta gián tiếp nhìn thấy, nhưng chính chúng ta cũng không hay.
Tất nhiên cũng như các nghiên cứu trước đó, nhóm tác giả chỉ nghiên cứu dựa trên các mô phỏng máy tính, được tạo nên bởi bộ dữ liệu từ các quan sát của nhiều cơ quan vũ trụ trước đó. Họ, cũng như giới thiên văn khác kỳ vọng các kính thiên văn thế hệ mới sẽ cung cấp tầm nhìn rõ ràng hơn về ngôi sao bí ẩn.
Tuy nhiên cũng không loại trừ khả năng chúng ta sẽ thực sự chứng kiến phút cuối đời của Betelgeuse trước khi nhìn thật rõ nó. Nếu phát nổ, ánh sáng từ vật thể này được cho là đủ làm rực rỡ cả bầu trời đêm Trái Đất.
Một siêu máy tính đang được Nvidia và Microsoft xây dựng để phục vụ AI sáng tạo và Deep Learning.
Theo TechRadar, NVIDIA và Microsoft đang hợp tác phát triển một siêu máy tính mới tập trung vào trí tuệ nhân tạo (AI) dựa trên điện toán đám mây. Hai công ty tuyên bố đó sẽ là “một trong những máy mạnh nhất trên thế giới” khi được hoàn thiện.
Hệ thống mới sẽ tận dụng cơ sở hạ tầng siêu máy tính của Microsoft Azure kết hợp với GPU NVIDIA, mạng lưới và phần mềm AI. Nó được thiết lập để chứa các máy ảo dòng ND và NC được thiết kế đặc biệt cho đào tạo và suy luận AI.
Hai công ty tuyên bố dự án đại diện cho điện toán mây công cộng đầu tiên kết hợp AI đầy đủ của NVIDIA và sẽ bổ sung thêm hàng chục nghìn GPU NVIDIA A100 và H100, mạng lưới NVIDIA Quantum-2 400Gb/s InfiniBand và bộ phần mềm NVIDIA AI Enterprise vào nền tảng của nó.
Cỗ máy mới này sẽ được sử dụng để giúp các doanh nghiệp đào tạo, triển khai và mở rộng quy mô AI. NVIDIA sử dụng hệ thống này để nghiên cứu và nâng cao hơn nữa những tiến bộ trong trí tuệ nhân tạo.
Đây là một lĩnh vực mới nổi của AI, chẳng hạn như các mô hình nền tảng như Megatron Turing NLG 530B cung cấp cơ sở cho các thuật toán để tạo ra các văn bản, mã, hình ảnh kỹ thuật số, video hoặc âm thanh mới.
NVIDIA và Microsoft cũng sẽ hợp tác để tối ưu hóa phần mềm DeepSpeed của Microsoft và toàn bộ quy trình làm việc AI cũng như bộ công cụ phát triển phần mềm của NVIDIA được tối ưu hóa cho Azure, sẽ được cung cấp cho khách hàng doanh nghiệp Azure.
Không chỉ có Microsoft đang chọn Nvidia để cung cấp sức mạnh cho những cải tiến AI mới nhất của hãng. Oracle và Nvidia cũng từng công bố sự hợp tác tại Oracle Cloud World 2022. Với việc sẽ chứng kiến hàng chục nghìn GPU Nvidia, chẳng hạn như A100 và H100 sắp tới, hỗ trợ Oracle Cloud Infrastructure (OCI).
Cơ quan An ninh Quốc gia Thụy Điển (SAPO) tuyên bố, họ có bằng chứng cho thấy 2 đường ống dẫn khí đốt từ Nga đến Đức bị phá hoại.
Trong thông báo hôm 18/11, SAPO cho biết, các nhà điều tra Thụy Điển đã phát hiện dấu vết thuốc nổ trên các mảnh vỡ của “vật thể lạ”. Vật thể này được thu thập từ khu vực xảy ra vụ nổ trên hệ thống đường ống Nord Stream.
SAPO nhấn mạnh, vật thể được phát hiện là bằng chứng cho thấy 2 đường ống Nord Stream bị phá hoại.
“Việc phân tích vẫn được tiến hành. Mục tiêu của chúng tôi là đưa ra kết luận chắc chắn nhất về sự cố xảy ra đối với Nord Stream. Cuộc điều tra sẽ được mở rộng để xác định đối tượng tình nghi và họ có thể bị truy tố”, SAPO thông báo.
Công tố viên Mats Ljungqvist – quan chức dẫn đầu cuộc điều tra của SAPO – xác nhận thông tin trên.
“Trong quá trình điều tra tại hiện trường, chúng tôi thu giữ một số vật thể và có ghi nhận cẩn thận về tình hình khu vực”, Reuters dẫn lời ông Mats Ljungqvist.
Cùng ngày 18/11, Văn phòng Công tố Thụy Điển cũng thông báo rằng, họ đã thu thập được một số bằng chứng và khẳng định đường ống Nord Stream bị rò rỉ gây ra bởi “hành động phá hoại nghiêm trọng”.
Theo Văn phòng Công tố Thụy Điển, trong thời gian tới, một cuộc điều tra “toàn diện và rất phức tạp” sẽ được tiến hành để giúp giới chức nước này kết luận về việc có thể xác định danh tính nghi phạm hay không.
Về phía Nga, người phát ngôn Điện Kremlin – ông Dmitry Peskov – hôm 18/11 cho biết, Moscow sẽ chờ đến khi đánh giá được toàn bộ thiệt hại đối với 2 đường ống Nord Stream, trước khi quyết định có sửa chữa hay không.
4 lỗ rò rỉ lớn ở đường ống Nord Stream 1 và Nord Stream 2 được phát hiện hồi cuối tháng 9. Các cuộc điều tra chung giữa Thụy Điển và Đan Mạch cho rằng, vụ rò rỉ gây ra bởi “hành vi phá hoại có chủ đích”. Đến nay, chỉ Thụy Điển tuyên bố tìm ra bằng chứng chứng minh cho cáo buộc trên.
Hôm 1/11, Nga cáo buộc Anh “chỉ đạo và điều phối” gây ra vụ nổ trên 2 đường ống khí đốt Nord Stream. Anh bác bỏ cáo buộc trên.
Hàng loạt chủ dự án từ khu đô thị, tòa nhà văn phòng, khách sạn, resort, dự án chưa xây hoặc đang xây dở dang, tài sản đang vận hành… đều được các ngân hàng, doanh nghiệp rao bán rầm rộ với giá trị hàng trăm tỷ đồng.
Trên các trang trang website buôn bán bất động sản, gần đây lượng tin đăng bán các loại hình bất động sản với giá trị hàng trăm tỷ đồng ngày càng xuất hiện nhiều.
Anh Nguyễn Trãi (ở TP.HCM) cho biết, cần bán 6.300m² ở quận 9 với giá 138,6 tỷ đồng, một ô đất ở quận 1 với diện tích 240m2 có giá 210 tỷ đồng. Cả hai bất động sản này đều là hàng chính chủ.
Không chỉ bán bất động sản, một chủ đầu tư còn rao bán cả tòa văn phòng, diện tích 523m2 với 9 tầng ở TP.HCM với tổng số tiền rao 800 tỷ đồng…
Những ngày vừa qua, không chỉ các doanh nghiệp, chủ các lô đất, các ngân hàng cũng đua nhau rao bán ra những bất động sản trăm tỷ đồng.
Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và khai thác tài sản Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cũng vừa thông báo đấu giá toàn bộ khoản nợ quy đổi hơn 172 tỷ đồng của Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Thăng Long, gồm 3 hợp đồng tín dụng.
Tài sản đảm bảo cho hợp đồng nói trên là tài sản hình thành trong tương lai đối với dự án khu du lịch nghỉ dưỡng ở huyện Nho Quan (Ninh Bình), gắn liền với thửa đất có diện tích 99 ha, mức giá khởi điểm hơn 172 tỷ đồng.
VietinBank cũng ra thông báo về việc lựa chọn tổ chức bán đấu giá khoản nợ 240,8 tỷ đồng của Công ty TNHH Lục Kim Quân. Tài sản bảo đảm cho khoản nợ nói trên là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất ở quận Bình Tân, TPHCM, có diện tích 7.430 m2. Giá khởi điểm của khoản nợ này 151 tỷ đồng.
Ông Phan Xuân Cần – Chủ tịch HĐQT Công ty Sohovietnam, đơn vị chuyên tư vấn M&A bất động sản – cho biết, thời điểm điểm hiện tại, rất nhiều doanh nghiệp bất động sản muốn bán tài sản. Hầu hết là những doanh nghiệp quy mô lớn với nhiều dự án từ khu đô thị, khu công nghiệp cho đến tòa nhà văn phòng, khách sạn, resort, dự án chưa xây hoặc đang xây dở dang, hoặc tài sản đang vận hành…
Tuy nhiên, theo ông Cần, các tài sản như tòa nhà văn phòng, khách sạn, nhà phố, khu căn hộ cho thuê… vị trí phải cực đẹp và giá rẻ thì may ra giờ mới bán được. Ông Cần cho biết, trong quá trình thương lượng, giá bán giảm khoảng 15 – 20%. Đa số khách hàng là nhà đầu tư trong nước, trong khi nhà đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 30%.
Ông Cần thông tin, hiện những dự án có hồ sơ pháp lý đầy đủ thì chủ đầu tư đã ra hàng từ năm 2020-2021, có một số ít 20 – 30% dự án hiện có tính pháp lý đầy đủ, còn đa phần là dự án pháp lý đang dở dang.
Theo ông Cần, bản chất thị trường M&A hoàn toàn phụ thuộc vào việc có vay vốn được không. Vì vậy, thời điểm này, ai cầm tiền mặt là “vua”, bất kể là nhà đầu tư trong nước hay nước ngoài.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam – cho rằng, thị trường bất động sản hiện xuất hiện tình trạng bán tháo các sản phẩm bất động sản và hiện tượng này sẽ xảy ra ngày càng nhiều từ nay đến cuối năm, thậm chí sang năm 2023.
Theo ông Đính, các doanh nghiệp bất động sản khó khăn về dòng tiền khi các kênh huy động vốn chính như tín dụng ngân hàng, phát hành trái phiếu hay huy động trên thị trường chứng khoán đang ngày càng khó khăn. Điều này không chỉ khiến bài toán kinh doanh của doanh nghiệp bị đảo lộn mà còn khiến chủ đầu tư không có tiền chi trả các khoản cho công nhân, nhà thầu, cho nhà cung cấp .
Ngoài ra, ông Đính cho rằng, thời điểm hiện nay, các ngân hàng cũng đưa ra phát mãi tài sản liên tiếp để thu hồi vốn. Thị trường sẽ xuất hiện cạnh tranh về giá.
Việc Liên minh châu Âu (EU) muốn áp giá trần khí đốt Nga có thể làm trầm trọng thêm khủng hoảng năng lượng của khối, Bộ Năng lượng Na Uy cho biết.
Na Uy phản đối đề xuất của EU về việc áp giá trần đối với khí đốt Nga. “Động thái này có thể làm trầm trọng thêm khủng hoảng mà EU đang đối mặt, cụ thể là thiếu hụt khí đốt”, Stein Grimsrud, phát ngôn viên Bộ Năng lượng Na Uy, nói, theo RT.
Trước đó, Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Stoere cũng bác bỏ ý tưởng của EU. “Đó không phải là giải pháp mà chúng tôi có thể hưởng ứng. Chúng tôi không nghĩ rằng ý tưởng này là câu trả lời cho thách thức hiện nay của EU”, ông Stoere nói.
Có những lo ngại rằng một khi EU áp giá trần khí đốt Nga thì khối có thể sẽ mở rộng áp đặt mức giá đối với các nhà cung cấp khác, bao gồm Na Uy và Qatar.
Tập đoàn năng lượng Nga Gazprom đã cảnh báo sẽ dừng hoàn toàn việc cung cấp khí đốt cho EU nếu khối nhất quyết áp giá trần. Giám đốc Điều hành Gazprom Alexei Miller nói rằng, bất kỳ động thái nào nhằm áp giá trần khí đốt đều sẽ vi phạm hợp đồng giữa các khách hàng EU và Gazprom, dẫn đến việc ngừng cung cấp hoàn toàn.
Kể từ khi cuộc xung đột ở Ukraine nổ ra vào đầu năm nay, Na Uy đã trở thành nhà cung cấp khí đốt hàng đầu cho EU. Nga từng là nhà cung cấp khí đốt chính cho EU nhưng lượng khí đốt được Nga bơm sang châu Âu ngày càng giảm do lệnh trừng phạt và các vấn đề kỹ thuật.
Trước cuộc xung đột, Nga đáp ứng 41% nhu cầu khí đốt của EU, nhưng con số này hiện nay đã giảm còn 9%, Cao ủy Châu Âu về Năng lượng, Kadri Simson cho biết.
Na Uy từng là nhà cung cấp khí đốt lớn thứ hai của EU, đáp ứng khoảng 20% nhu cầu. Mùa hè này, Oslo đã phê duyệt giấy phép khai thác khí đốt tại 7 mỏ mới ngoài khơi để tăng sản lượng khí đốt khai thác thêm 8% so với năm 2021.
Bộ Năng lượng Na Uy xác nhận kế hoạch cung cấp 122 tỉ m3 khí đốt cho EU trong năm nay. Năm ngoái, Nga cung cấp 130 tỉ m3 khí đốt và 20 tỉ m3 khí hóa lỏng (LNG) cho khối.
Theo các nhà phân tích, Na Uy không có đủ năng lực ngay lập tức để đáp ứng nhu cầu khí đốt cho EU tương tự như Nga.
Na Uy không thể giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra ở EU do nguồn dự trữ khí đốt của quốc gia hạn chế.
Na Uy cũng không tham gia vào kế hoạch áp giá trần khí đốt do đang hưởng lợi nhuận cao vì giá bán tăng vọt. Thay vào đó, Na Uy đề nghị các đối tác châu Âu ký kết thỏa thuận hợp tác trên cơ sở hợp đồng dài hạn, theo RT.
Tổng thống một quốc gia Tây Phi đã nói với ông Zelensky về thông điệp mà ông Putin muốn truyền tải.
Theo đài RT, ông Umaro Mokhtar Sissoco Embalo, Tổng thống nước Guinea-Bissau, ngày 25/10 tuyên bố rằng, ông Putin đã nhờ ông chuyển “thông điệp” tới ông Zelensky về tầm quan trọng của “đối thoại trực tiếp” giữa Moscow và Kiev.
Ông Embalo tiết lộ điều này trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Ukraine Zelensky ở Kiev, một ngày sau cuộc gặp với ông Putin.
“Thưa ngài Tổng thống, hôm qua, tôi đã gặp Tổng thống Putin ở Nga. Ông ấy có nhờ tôi gửi tới ngài thông điệp rằng một cuộc đối thoại trực tiếp là rất quan trọng với Nga và Ukraine”, ông Embalo nói với Tổng thống Ukraine.
Hiện Nga chưa lên tiếng về thông tin này.
Một video về cuộc họp báo chung đã được đăng tải trên kênh Telegram của ông Zelensky. Các tuyên bố của Tổng thống Guinea-Bissau được dịch sang tiếng Ukraine.
Trước cuộc gặp với ông Zelensky, ông Embalo nói với phóng viên rằng, ông nhận thấy Tổng thống Nga “rất cởi mở trong việc đàm phán với ông Zelensky” và ông mong “truyền đạt thiện chí này” tới nhà lãnh đạo Ukraine.
Trả lời người đồng cấp Guinea-Bissau tại cuộc họp báo chung, ông Zelensky nói rằng, để xây dựng cầu nối giữa các quốc gia, “người ta không nên làm nổ tung cơ sở hạ tầng”. Theo RT, câu trả lời của Tổng thống Ukraine được cho là ám chỉ đến các cuộc tấn công của Moscow vào cơ sở hạ tầng năng lượng Ukraine. Nga phát động cuộc tấn công từ ngày 10/10 nhằm “trả đũa” vụ đánh bom cầu Crimea mà nước này cáo buộc là hành động “khủng bố” do Kiev đứng sau.
Ông Zelensky còn nói rằng, bất cứ cuộc đối thoại nào giữa hai quốc gia cũng bắt đầu từ việc “tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền và biên giới của nhau”.
Đầu tháng này, ông Putin viện dẫn việc Ukraine từ chối đối thoại là lý do khiến các cuộc đàm phán hòa bình Nga – Ukraine vắng bóng. Nhà lãnh đạo Nga cũng lưu ý rằng, Moscow và Kiev đã đạt được thỏa thuận sơ bộ trong cuộc đàm phán do Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian vào cuối tháng 3. Tuy nhiên, sau khi Nga ngừng tấn công Kiev, “giới lãnh đạo Kiev đã không còn mong muốn đàm phán”.
Bình luận của ông Putin được đưa ra sau khi ông Zelensky ký sắc lệnh loại trừ mọi khả năng đàm phán với ông Putin, nói rằng Kiev chỉ đồng ý đàm phán với Moscow khi ông Putin rời điện Kremlin.
Ông Zelensky nhiều lần tuyên bố rằng mục tiêu duy nhất của Ukraine trong xung đột là đánh bại Nga và giành lại kiểm soát tất cả các vùng ở Ukraine mà Nga đã sáp nhập.
Nhà Trắng cảnh báo sẽ đáp trả bất kỳ cuộc tấn công nào vào cơ sở hạ tầng của Mỹ sau khi một quan chức Nga nói rằng Moscow sẽ bắn hạ vệ tinh thương mại của Mỹ và đồng minh nếu có liên quan tới chiến sự ở Ukraine.
Ngày 27-10 Nhà Trắng cảnh báo sẽ đáp trả “tương xứng” đối với bất kỳ cuộc tấn công nào vào cơ sở hạ tầng của Mỹ sau khi một quan chức ngoại giao Nga nói rằng vệ tinh thương mại của Mỹ và các nước đồng minh có thể trở thành mục tiêu bắn hạ của Moscow nếu có liên quan cuộc chiến tại Ukraine, theo hãng tin Reuters.
Phát biểu tại một sự kiện về không gian ở trụ sở Liên Hợp Quốc ngày 26-10, phó vụ trưởng Vụ Không phổ biến và kiểm soát vũ khí thuộc Bộ Ngoại giao Nga – ông Konstantin Vorontsov gọi “việc Mỹ và đồng minh sử dụng các cơ sở hạ tầng dân dụng và thương mại ngoài không gian cho các mục đích quân sự” là “xu hướng cực kỳ nguy hiểm”, theo hãng thông tấn TASS.
“Cơ sở hạ tầng bán dân sự có thể là mục tiêu hợp pháp cho một cuộc tấn công trả đũa” – ông Vorontsov nhấn mạnh.
Đáp lại lời cảnh báo từ phía Nga, người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ – ông John Kirby ngày 27-10 cho biết: “Bất kỳ cuộc tấn công nào vào cơ sở hạ tầng của Mỹ sẽ nhận lại sự đáp trả tương xứng. Nếu Nga tiến hành cuộc tấn công nào như vậy, Mỹ sẽ buộc Nga phải chịu trách nhiệm”.
Ông Kirby cũng nói thêm rằng có thông tin cho thấy Nga đang cố gắng theo đuổi các vũ khí có khả năng chống vệ tinh.
Quan hệ Nga-Mỹ gần đây ngày càng căng thẳng khi Điện Kremlin ngày 26-10 cho biết sẽ “đối phó” việc Mỹ triển khai lực lượng quân sự ở Romania, gần biên giới Ukraine bởi vì “làm tăng nguy hiểm cho Nga”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết Moscow chưa nhận được bất kỳ yêu cầu nào từ phía Kiev về việc tổ chức một gặp giữa giới chức Ukraine với Ngoại trưởng Sergey Lavrov.
Ngày 27-10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết Moscow chưa nhận được bất kỳ yêu cầu nào từ phía Kiev về việc tổ chức một gặp giữa giới chức Ukraine với Ngoại trưởng Sergey Lavrov, hãng thông tấn TASS đưa tin.
“Chúng tôi chưa nhận được bất kỳ yêu cầu nào từ Ukraine về một cuộc gặp gỡ với Ngoại trưởng Nga Lavrov bên lề bất kỳ sự kiện nào” – bà nói.
“Chúng tôi đã lên tiếng nhiều lần ở các giai đoạn khác nhau, cũng đáp ứng các yêu cầu từ Kiev, về đối thoại, đàm phán, các cuộc họp… Vấn đề ở đây nằm ở phía Kiev chứ không phải chúng tôi” – bà nói.
Bà nói thêm rằng chính Ukraine đã rút khỏi quá trình đám phán và “tự cô lập mình”.
Ngoài ra, bà Zakharova cũng nhắc lại tuyên bố của Tổng thống Ukraine – ông Volodymyr Zelensky vào tháng 5 rằng trước tiên Moscow nên trả lại toàn bộ lãnh thổ cho Nga và sau đó hai bên có thể đàm phán.
“Đó là vào tháng 5, vào mùa thu, luận điệu (của Ukraine) đã thay đổi nhiều lần nữa” – bà nói.
Bà nhắc lại việc ngày 30-9, ông Zelensky đã ký một lệnh tuyên bố không thể tổ chức các cuộc thảo luận với Nga. Sau đó, ông giải thích rằng Kiev đã sẵn sàng nói chuyện với Nga, nhưng chỉ với một chính quyền khác của Nga.
Trung Quốc đã cắt 3 cơ chế đối thoại quân sự với Mỹ để phản đối việc Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi thăm Đài Loan hồi tháng 8.
Trước đề nghị của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin về việc nối lại cơ chế đối thoại, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Tan Kefei một lần nữa khẳng định Mỹ phải chịu toàn bộ trách nhiệm liên quan tới việc cơ chế đối thoại quân sự giữa hai nước phải tạm dừng và nếu Washington thực sự nghiêm túc muốn nối lại đối thoại quân sự thì cần phải tôn trọng các lợi ích và quan ngại của Trung Quốc.
Tại cuộc họp báo thường niên ở Bắc Kinh, ông Tan nói: “Mọi việc diễn ra đều có lý do”. Việc Trung Quốc ngừng 3 cơ chế đối thoại quân sự với Mỹ là phản ứng để bảo vệ chủ quyền quốc gia trước hành động khiêu khích từ Mỹ.
“Nếu Mỹ muốn cải thiện liên lạc quân sự giữa Trung Quốc và Mỹ, thì cần phải nói đi đôi với làm, chứng minh sự chân thành và tôn trọng những quan ngại và lợi ích của Trung Quốc, loại bỏ những tác nhân tiêu cực đang đè nén sự phát triển quan hệ giữa quân đội hai nước” – ông Tan nói.
Theo ông Tan, mặc dù Trung Quốc công nhận tầm quan trọng của việc duy trì quan hệ và đối thoại quân sự với Mỹ nhưng Bắc Kinh cũng có những nguyên tắc riêng.
Để đáp trả chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi hồi tháng 8, Bắc Kinh đã cắt 3 cơ chế đối thoại với quân đội Mỹ đó là đối thoại giữa các Chỉ huy quân khu Mỹ – Trung Quốc; Đối thoại phối hợp chính sách quốc phòng; các cuộc họp theo thoả thuận tham vấn hải quân.
Song, các kênh liên lạc quân sự khác giữa hai nước vẫn được duy trì như đường dây nóng liên lạc trực tiếp giữa Bộ trưởng Quốc phòng và Tổng tham mưu trưởng quân đội hai nước.
Đầu tháng 10 này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho biết, ông đã trao đổi với người đồng cấp Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa và hai bên đã đồng ý việc mở các kênh liên lạc là rất quan trọng.
Ông Austin nhấn mạnh: “Bộ Quốc phòng Mỹ đang làm hết sức có thể để mở lại các kênh liên lạc quân sự với Trung Quốc”.
Tổng thống Nga Vladimir Putin dự đoán một sự bất ổn lớn hơn khi kỷ nguyên thống trị của phương Tây chấm dứt.
Ông Putin tin rằng thế giới đang đứng trước bờ vực của một thập kỷ đầy biến động, kéo theo mối nguy hiểm và khó đoán định nhất kể từ Thế chiến 2, khi thế giới đơn cực với phương Tây là trung tâm kết thúc, theo RT.
“Chúng ta đang đứng trước một ranh giới lịch sử”, ông Putin phát biểu ngày 27/10 tại cuộc họp thường niên của Câu lạc bộ Thảo luận Valdai ở Moscow. “Phía trước có lẽ là thập kỷ nguy hiểm nhất, không thể đoán trước và đồng thời là quan trọng kể từ khi Thế chiến II kết thúc”.
Ông Putin chỉ trích phương Tây đang theo đuổi trò chơi địa chính trị “nguy hiểm, đẫm máu”. “Quyền lực trên toàn thế giới là cái phương Tây đặt lên hàng đầu trong trò chơi của họ. Nhưng trò chơi này nguy hiểm và đẫm máu”, ông Putin phát biểu.
“Tôi luôn tin tưởng vào lẽ thường, rằng sớm hay muộn phương Tây sẽ phải bắt đầu trò truyện bình đẳng với các trung tâm mới của trật tự thế giới đa cực, về tương lai chung càng sớm càng tốt”, ông Putin nói thêm.
Nhà lãnh đạo Nga nói rằng, vào tháng 12 năm ngoái, khi Moscow đưa ra những quan ngại về an ninh để ngăn chặn cuộc khủng hoảng Ukraine, NATO đã gạt đề xuất này sang một bên. “Không thể né tránh được chuyện này. Ai gieo gió sẽ gặt bão. Cuộc khủng hoảng đã thực sự mang tầm cỡ toàn cầu. Nó ảnh hưởng đến tất cả mọi người và chúng ta không nên có những ảo tưởng”, ông Putin nói thêm.
Ông Putin nói nhân loại đang phải đối mặt với hai lựa chọn. “Hoặc chúng ta tiếp tục tạo ra gánh nặng của các vấn đề mà chắc chắn nó sẽ đè bẹp tất cả chúng ta, hoặc chúng ta có thể làm việc cùng nhau để tìm ra các giải pháp để giúp thế giới ổn định và an toàn hơn”.
Ông Putin cho rằng, phương Tây đang “mù quáng trong khi giai đoạn của sự thống trị đơn cực đã đến hồi kết thúc”.
Ông Putin nhấn mạnh rằng Nga không phải là kẻ thù của phương Tây. Ông Putin nói Nga từng muốn làm bạn với phương Tây và NATO nhưng không chấp nhận những sự áp đặt của Mỹ, đồng minh nhằm kìm hãm Moscow.
Lo ngại về việc Nga tăng quân, đưa hàng trăm xe tăng, xe thiết giáp áp sát biên giới Ukraine – Belarus và các cuộc tập kích bằng tập kích bằng máy bay không người lái (UAV), Ukraine đã phải tăng cường lực lượng phòng thủ ở phía bắc.
“Chúng tôi đã tăng cường binh lực tới khu vực phía bắc”, tướng Oleksii Hromov, phó cục trưởng Cục tác chiến Bộ Tổng tham mưu Ukraine, nói trong cuộc họp báo ngày 27/10.
Chưa đạt được thành công ở phía nam và phía đông, Nga có thể mở mặt trận tấn công mới từ phía bắc, tướng Hromov nói về nguyên nhân Ukraine tăng quân tới biên giới giáp Ukraine.
Tướng Hromov không cho biết Kiev bổ sung thêm bao nhiêu binh sĩ tới mặt trận phía bắc và liệu việc điều quân này có ảnh hưởng đến các chiến dịch phản công Nga ở miền nam và miền đông hay không.
“Ở thời điểm hiện tại, chúng tôi nhận thấy việc Nga chưa thành lập các mũi tiến công theo hướng từ Belarus”, tướng Hromov nói thêm. “Nhưng Nga tập trung binh lực đáng kể ở đó”.
Tướng Hromov nhắc đến nguy cơ đối với vùng Chernobyl và Chernihiv. Đây là các vùng Nga từng kiểm soát một phần ở Ukraine trong giai đoạn đầu chiến dịch quân sự.
“Nga đang củng cố lực lượng một cách có chủ đích ở Belarus”, tướng Hromov nói. “Các sỹ quan Nga đang tham gia đánh giá mức độ sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị quân đội ở vùng Grodnetsk, Brest và Gomel thuộc Belarus”.
Ngoài việc sử dụng sân bay Zyabrivka, Nga cũng đưa binh sĩ đến các sân bay khác ở Belarus.
Belarus là đồng minh của Nga, không trực tiếp can thiệp vào xung đột ở Ukraine nhưng cho phép Nga sử dụng lãnh thổ làm bàn đạp.
“Tuần này, Nga đã phóng nhiều UAV cảm tử từ lãnh thổ Belarus”, ông Hromov cho biết.
Các đánh giá trước đây cho biết, Nga bổ sung thêm 10.000 binh sĩ cùng hàng trăm xe tăng, xe thiết giáp tới Belarus.
“Chúng tôi phản ứng tương xứng với tất cả các mối đe dọa không chỉ từ lãnh thổ Belarus, mà còn từ phía đông và từ phía nam”, ông Hromov nói.
Tuần trước, phó cục trưởng Cục tác chiến Bộ Tổng tham mưu Ukraine nhận định rằng, Nga sẽ không nhắm tới thủ đô Kiev nếu mở mặt trận mới từ Belarus.
Thay vào đó, các binh sĩ Nga có thể tấn công theo hướng tây nam nhằm cắt đứt các tuyến đường NATO sử dụng để cung cấp vũ khí và đạn dược cho Ukraine.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 27/10 đã ký sắc lệnh bổ sung 10,5 tỉ USD vào ngân sách chi tiêu quân sự của đất nước trong năm 2022.
Ông Zelensky đã đề ra một số sửa đổi đối với ngân sách năm 2022 của đất nước, trong đó tăng giới hạn tối đa đối với khoản vay nội bộ của nhà nước và nợ quốc gia, đồng thời tăng đáng kể chi tiêu quốc phòng, theo RT.
Ngân sách mới được công bố trên trang web của Quốc hội Ukraine (Rada) vào ngày 27/10. Tổng cộng 386,9 tỷ hryvna (10,5 tỉ USD) được phân bổ ngay lập tức trong các lĩnh vực an ninh và quốc phòng của đất nước.
9,9 tỉ USD được phân bổ cho Bộ Quốc phòng, trong khi phần còn lại được phân bổ tới Bộ Nội vụ, cơ quan an ninh, cơ quan tình báo và các cơ quan khác.
Chính phủ đã bắt đầu thực hiện các thủ tục chi ngân sách để đảm bảo khoản tiền bổ sung này được sử dụng kịp thời nhằm đảm bảo quốc phòng và an ninh quốc gia của đất nước.
Sắc lệnh mới được ông Zelensky đưa ra sau khi nghị sĩ Ukraine Yaroslav Zheleznyak tuyên bố vào đầu tháng này rằng chính phủ đã chi hết ngân sách quân sự trong năm 2022, trong bối cảnh xung đột vẫn đang diễn ra với Nga.
Trước đó, trợ lý của ông Zelensky, Alexander Rodnyansky nói trên truyền thông Đức rằng Ukraine cần chi 4 – 5 tỉ USD hàng tháng để duy trì hoạt động của chính phủ và quân đội, đảm bảo an ninh xã hội.
Ông Rodnyansky mong muốn Liên minh châu Âu (EU) hỗ trợ 2 tỉ USD/tháng cho Ukraine, trong đó riêng Đức được kì vọng hỗ trợ 500 triệu USD/tháng.
Không rõ khoản chi 10,5 tỉ USD được công bố ngày 27/10 đến có đến từ nguồn hỗ trợ của phương Tây hay không. Số tiền này được Ukraine sử dụng trong suốt phần còn lại của năm 2022.
Ngày 27/10, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel kêu gọi xây dựng quan hệ gần gũi hơn với Trung Á, khi ông có chuyến thăm chính thức đầu tiên đến Kazakhstan, một trung tâm kinh tế lớn ở khu vực mà ảnh hưởng của Nga có vẻ đang lung lay.
Trong hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) – Trung Á đầu tiên, ông Michel gặp lãnh đạo 5 quốc gia, gồm Kazakhstan, Kyrgyzstan, Uzbekistan, Tajikistan và Turkmenistan.
Ông Michel nói rằng hội nghị này “không chỉ là đối thoại chính sách giữa hai khu vực”.
“Đó là biểu tượng mạnh mẽ cho sự củng cố hợp tác và một tín hiệu mạnh mẽ cho cam kết của EU đối với khu vực này”, ông nói.
Chuyến thăm của ông Michel đến thủ đô Astana của Kazakhstan diễn ra 8 tháng sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, khiến một số nước từng là thành viên Liên Xô cũ lo lắng và đẩy mâu thuẫn giữa Nga với phương Tây gia tăng.
Trong tuyên bố chung, ông Michel và các lãnh đạo Trung Á đồng ý “tiếp tục xây dựng quan hệ đối tác đa dạng và hướng tới tương lai mạnh mẽ, được củng cố bởi những giá trị và lợi ích chung”.
Chuyến thăm của ông Michel diễn ra chỉ 2 tuần sau khi Astana tổ chức hàng loạt hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo Nga, cũng như Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, khi các cường quốc này đang muốn tăng cường vai trò ở khu vực.
“Trung Á và châu Âu đang xích lại gần nhau và trở nên ngày càng kết nối”, ông Michel nói tại cuộc họp báo chung với Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev ở Astana.
Người đứng đầu Hội đồng châu Âu khẳng định Kazakhstan là một “đối tác quan trọng” mà EU muốn “phát triển hợp tác”.
Ông nói Kazakhstan là một đối tác thương mại lớn của EU và kêu gọi đầu tư vào hạ tầng giao thông ở quốc gia này.
Theo các nhà phân tích, từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, các quốc gia Trung Á đang nỗ lực giữ cân bằng địa chính trị. Các đồng minh truyền thống của Nga không chỉ trích và không công khai ủng hộ chiến dịch quân sự của Mátxcơva.
Tổng thống Tokayev thậm chí còn công khai thể hiện quan điểm trái ngược với Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng 6, khi ông từ chối công nhận hai nền cộng hoà tự xưng mà Mátxcơva ủng hộ ở miền Đông Ukraine.
Vì thế, giới quan sát cho rằng EU đang có cơ hội tốt để củng cố vị trí của mình ở Trung Á.
Kazakhstan là quốc gia duy nhất ở khu vực đã ký thoả thuận hợp tác và đối tác tăng cường với EU. Sau khi đến Kazakhstan, ông Michel sẽ thăm Uzbekistan trong ngày 28/10.